Chia sẻ - Kinh nghiệm trồng rau - phần 1
Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013
Rau củ quả - Ảnh: VRS sưu tầm |
Để giúp quý bạn đọc có thêm kiến thức, kinh nghiệm từ những người đi trước, để giúp quý bạn đọc có thêm nghị lực trồng rau tại nhà, tôi xin trích đăng một số bài viết chia sẻ kinh nghiệm trồng rau để quý bạn đọc tham khảo.
Dưới đây là một số kinh nghiệm trồng cây của một pro trồng sau sạch tại nhà. Tên anh ấy là Hiển, hiện nay 32 tuổi, đang sinh sống tại Hải Phòng. Anh ấy cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thất bại có, thành công cũng có và giờ đây vườn rau rất xanh tốt, cung cấp đủ rau ăn cho khoảng 10 thành viên trong gia đình. Anh ấy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau tại nhà của mình cho quý bạn đọc. Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài viết này.
Được sự đồng ý của bạn Hiển, mình sẽ đăng loạt bài viết chia sẻ kinh nghiệm của bạn ấy cho mọi người tham khảo. Trong bài viết này, tôi xin đăng phần 1. Các phần tiếp theo sẽ được đăng ở các bài viết kế tiếp. Mong quý bạn đọc cùng đón xem.
Phần 1: Tổng quan
1. Tâm sự
2. Kinh nghiệm làm đất
3. Kinh nghiệm ủ phân
4. Kinh nghiệm trồng cây
5. Kinh nghiệm về sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật
6. Kết luận
--------------------------------
1. Tâm sự
Chào mọi người. Mình tham gia điễn đàn rausach.com.vn cũng được 10 tháng rồi, còn nhà lưới của mình cũng được 7 tháng. Thực ra mình cũng biết trồng trọt từ lâu lắm rồi, thích từ hồi 7-8 tuổi đi nhặt nhạnh những cây ăn trái: me, sấu, ổi, roi... về trồng khắp vườn; đến năm học cấp 3 mình đã có một khu vườn cây ăn trái quanh năm. Bạn bè kéo đến suốt. Hồi trước nhà mình đất đai còn rộng rãi, giờ vào quy hoạch hết, ham mê cũng nguội đi. Chỉ vì nhìn mấy cái thùng xốp rau nghĩ về làm mấy cái cho thằng cu ăn rồi lên 10-20... và giờ mới có một mảnh vườn quy mô như bây giờ. Với nhiều người trồng rau trên sân thượng hay ban công là việc làm rỗi hơi, tốn công sức mà thu hoạch chả được bao nhiêu. Nhưng lại nghĩ: Một việc cũng không quá mất thời gian, xả stress, lành mạnh mà lại có rau sạch để cải thiện sức khỏe gia đình thì còn ý nghĩa hơn la cà quán xá, cờ bạc hay nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Phải không cả nhà?
Mình chắc rằng, một điều rất nhiều người trên diễn đàn rất yêu thích vườn của mình. Có một vườn rau đẹp, hiệu quả, bạn bè, hàng xóm hay ai đó khen và ghen tị cũng đáng tự hào lắm chứ. Được như bây giờ tất nhiên là do công sức mình bỏ ra. Nhưng nếu không có những người như bác Sâu, cô Vân hay a DuaVang(1)... thì chắc chắn rằng vườn rau của mình cũng chỉ là mấy thùng xốp ở đám đất cạnh nhà thình thoảng có vài cọng mồng tơi hay rau muống mà thôi. Thiết nghĩ, nếu mình cứ muốn mình là nhất, giữ khư khư cho riêng mình thì còn mong ai giúp mình nữa. Có cho mới có nhận. Phải không mọi người ?
Vườn rau của mình bây giờ rất xanh tốt, rau hữu cơ 100% luôn đó. Nhưng trước đó thất bại cũng rất nhiều, có điều mình không chụp lên thôi. Ai cũng vậy, tốt khoe xấu che. Thử hỏi có ai up (đưa lên) 1 tấm ảnh xấu hoắc của mình lên facebook để mọi người bình luận chứ . Hì hì, cũng nhờ những thất bại đó mình mới được như bây giờ và chính xác mà nói bây giờ mình mới biết trồng rau.
Như mình đã nói: Có cho mới có nhận. Mình đã "nhận" được rất nhiều và bây giờ mình phải có trách nhiệm "cho". Mình lập topic này để chia sẻ chút kinh nghiệm mình tích lũy được sau vài tháng trồng trọt. Mình chia sẻ ở đây hoàn toàn là ý kiến về cá nhân, có thể đúng, có thể sai, cũng có thể có sẵn trên diễn đàn rồi. Và mình trồng trong nhà lưới nên có thể khác với bình thường nên chắc chắn sẽ có thiếu sót. Mong mọi người bổ sung để topic hoàn thiện hơn giúp những người mới rút ngắn được chút thời gian tìm hiểu.
2. Kinh nghiệm làm đất.
Mình nghĩ đất trồng trước hết phải thật tơi xốp. Nếu so sánh, đất ít dinh dưỡng nhưng tơi xốp và đất giàu dinh dưỡng nhưng độ kết dính cao thì đảm bảo cây ở đất xốp sẽ phát triển mạnh hơn. Bộ rễ cũng lớn hơn. Cũng như người ăn cơm rau nhưng sống ở nơi thoáng đãng trong lành sẽ khoẻ hơn 1 người ăn sơn hào hải vị mà sống ở nơi ngột ngạt, chật chội, bí bách. Nói vui thế thôi. Mình cũng đã xài qua một số đất đóng bao: Thủy Cam, Sông Gianh... nhưng thấy cây lên rất chậm chạp, đất lúc khô rất xốp nhưng tưới nước vào thì bết lại, dùng bay đảo còn bết dính hết vào bay. Giờ mình chỉ chọn đất thịt mang về phơi thật khô, đập thật vụn trộn với trấu tỉ lệ đất - trấu 7-3. Thông thường một đống đất to mình trộn thêm 2-3 bao phân vi sinh Sông Gianh hoặc phân hữu cơ Mặt Trời Xanh để làm cho đất có 1 cơ bản là tốt. Nhiều bạn ở phố rất khó kiếm được đất thịt hay đất phù sa thì kiếm đất cát cũng không sao. Một nửa nhà lưới của mình dùng đất cát lấy ở gần nhà. Trước họ đổ cát để làm nền khu dân cư sau vài năm cỏ mọc, chuối mọc cũng cải tạo được phần nào. Đất cát nghèo dinh dưỡng hơn đất thịt, thậm chí dinh dưỡng không đáng bao nhiêu nhưng được cái tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu xài đất cát thì lượng phân phải nhiều hơn một chút.Vẫn trộn trấu như đất thịt sau 6 tháng hay 1 năm trấu mục tạo thành hữu cơ làm đất càng tơi xốp. Đừng hỏi vì sao cô Van105 trồng rau tốt thế. Nếu bạn có 1 nền đất gần 20 năm với bao nhiêu lần ủ phân và bao nhiêu thứ hoại mục trong đó thì bạn sẽ hiểu. Nếu không có đất mà phải mua bao thì nên trộn thêm trấu và phân vi sinh .
Nhiều bạn là phụ nữ - mà phụ nữ thì khó có sức khỏe như cánh đàn ông được. Nếu không nhờ được ông xã thì cứ túc tắc ít một. Học tập cô Vân, cô NamPhuong(2) lớn tuổi mà vẫn lấy đất cách nhà cả chục km ấy chứ. Như mình trẻ khỏe mỗi chuyến vác đất lên thượng được 1 thúng đầy thì các chị em làm một xô nho nhỏ thôi. Không những có rau sạch ăn, đẹp da mà vác đất lên cũng như tập thể dục, eo nhỏ lại, mông đùi săn chắc thì các XY lại càng mê mẩn ấy chứ
(*) Một số hình ảnh minh hoạ cách trộn đất.
- Đây là đất thịt mới trộn trấu
- Sau khi trồng được vài tháng:
- Còn đây là đất cát
- Không biết đất mọi người ra sao, đất của mình kể cả đất cát hay thịt sau vài lần trồng đều chuyển từ màu vàng sang màu đen. Mình nghĩ là do trấu và rễ cây hoại mục tạo thành.
3. Kinh nghiệm ủ phân...
Ủ phân ở đây là mình nói về phân hữu cơ. Còn khoản phân vô cơ - tức N-P-K mình chưa xài nên kinh nghiệm còn mù mờ lắm vì vậy nói về hữu cơ đã nhé. Và là ủ trong thùng xốp chứ nếu nhà bạn nào có vườn rộng rãi thì chỉ việc đào cái hố vừa nhanh vừa sạch mà không ảnh hưởng đến ai.
Mình học ủ phân cá từ cô Van105. Nhưng cũng không học đến nơi đến chốn. Hồi đầu mình không ủ bằng đất mà xài mùn dừa khô, chơi hẳn 7 phần cá 3 phần mùn dừa. Rồi vài hôm sau bắt đầu bốc mùi nồng nặc, thậm chí nước vàng còn ngấm qua thành thùng (công nhận độ thẩm thấu kinh thật). Đến cả 2 tháng sau vẫn thối khủng khiếp. Bịt mũi ngoáy lên xem thì ôi thôi, thịt cá trắng hếu, nước đen sì kinh tởm không chịu nổi. Nghĩ cách đổ nước ra bằng cách lấy que chọc vô cạnh đáy để nước chảy bớt. Và nước cũng chảy hết ra thật nhưng thà để nguyên còn hơn ngày nào lên vườn gió cũng đưa hương ngào ngạt. Có hôm đang mở thùng để xem (đứng đầu gió) mà nghe điện thoại reo:
- Alô
- Mày mở thùng phân đấy à, đóng ngay vào không khách tao kêu ầm lên kìa (mẹ mình chửi) - nhà mình bán đồ ăn sáng mà.
Sau đó mình rút ra kinh nghiệm là dùng nhiều đất một chút. Tỉ lệ đất - cá khoảng 7-3. Đổ cá vô, phủ đất xong đậy kín nắp. Ngon lành chưa. Chỉ việc đợi 3-4 tuần là có phân xài. Nhưng 3-4-5-6-7 tuần khơi nó lên vẫn nhoe nhoét thịt cá và mùi cũng thuộc vào loại "chất độc hóa học". Nghĩ mà tức liền tìm đủ mọi cách nào là thêm đất, thêm nấm trico và kết quả cũng chẳng khả quan hơn.Thôi thì đóng lại, kệ nó muốn bao lâu thì bao. Xin tạm phân bò mục của Rothchild về xài cũng qua được mùa đông. Rồi nghe mọi người nói về phân xanh - tức xác bã thực vật. Mình cũng đi xin gốc, lá rau vất đi về đổ vào thùng rồi rắc ít nấm. Đổ đầy thùng, vài hôm mở ra xẹp còn một nửa. Thấy rau nhão nhoét. Mừng vì nghĩ mình thành công, lại đổ rau vào và cứ thế. Sau nó phân hủy thành 1/3 thùng nước còn bã rau nổi lềnh bềnh và ôi thôi: thối chỉ kém phân cá 1 chút.Chả biết dùng như nào lấy gáo múc nước đó tưới vào gốc rau, chả biết rau có tốt lên không mà mấy hôm liền cái vườn lại ám 1 mùi thum thủm
Cho đến tận cách đây 1 tháng, đầu óc mới sáng sủa ra thêm một chút, mình để ý thấy trước khi ủ mình dùng đất rất khô mà sau vài hôm đã ướt mèm, bên dưới cá vẫn có độ ấm nhưng không nóng - khuấy thử lên vẫn thấy hơi nước bốc ra, để gần tay thấy âm ấm. Mới biết khi phân hủy cá hay kể cả xác thực vật ra rất nhiều nước.
(*) Vì vậy mình rút ra kinh nghiệm nhỏ là:
Khi ủ phân bằng thùng xốp hay thùng nhựa điều kiện tiên quyết đất phải khô, càng khô càng tốt. Sau này mình cũng dùng đất này để trồng thì lấy đất trộn trấu mà mình làm ở trên (tức là đất phơi khô đập vụn ấy), tỉ lệ đất - cá chỉ khoảng 8-2 là được.
Các bước làm như sau:
+ Đầu tiên là trải 1 lớp đất khô xuống dưới, trải dày khoảng 1/4 thùng vì nước bên trên sẽ chảy xuống dưới nên đất bên dưới nhiều sẽ hút được nhiều nước hơn.
+ Đất đó mình trộn thêm ít phân Supe Lân vì mình đọc nhiều cách ủ phân thấy bảo trộn thêm Lân sẽ giúp cố định đạm - hạn chế bay hơi.
+ Sau đó đổ cá - giắc nấm trico rồi trải 1 lớp đất nữa nhưng không cần dày quá.
+ Lại đổ tiếp cá lên
+ Sau đó đổ tiếp 1 lớp đất khô khác lên lớp cá trên.
+ Bước cuối cùng rất quan trọng: Đậy nắp.
Mọi lần, mình nghĩ đậy nắp càng kín càng tốt nhưng chính vì thế lại hại mình, hơi nước bên trong do chịu nhiệt độ cao, do cá phân hủy không bay đi đâu được nên bám hết lên nắp rồi lại nhỏ xuống làm ướt đất, mà đất ướt sinh vật hoạt động rất kém. Vì thế cá rất lâu phân hủy.
Do đó mình đã cải tiến nó như sau:
+ Đục vài cái lỗ xung quanh thành thùng để thông khí.
+ Khi đổ lớp đất cuối cùng đừng đổ đầy quá, chừa lại khoảng 5cm nha
Lưu ý: Thùng 80 lít, mình chỉ làm 2 lớp cá còn bạn nào xài thùng nhỏ chỉ nên làm 1 lớp cá thôi .
Mình thấy nhiều trường hợp, các bạn bảo có dòi bọ trong thùng phân. Nguyên nhân là do ruồi nhặng bay qua lỗ vào đẻ trứng. Thường dòi bọ sống môi trường ẩm ướt nếu đất khô thì chúng cũng không sống được và sau này cũng thành phân hết nhưng nhìn cũng kinh. Do vậy, muốn không có dòi mà vẫn đục lỗ thùng thì kiếm miếng vải màn rồi che vào lỗ sau đó lấy băng keo dán cố định miếng vải màn đó là ruồi nhặng không vào được nữa. Mình nhắc lại rằng mọi người đừng nên ủ quá nhiều cá, đất cũng thật khô. Nếu không vừa lâu mà lại gây mùi khó ngửi.
(*) Một số hình ảnh ủ phân cá:
Mình làm 3 thùng phân cá ngày 16 tháng Chạp, làm hôm trước hôm sau lên thấy hơi nước bốc qua lỗ. Mình nghĩ là mùa đông chứ mùa hè chắc không bốc được nghi ngút như thế. Mở ra nghiêng cái nắp mà nước cũng chảy rào rào. Hơi nóng phả vào mặt luôn ấy. Lần này nghĩ chắc 3-4 tuần là có phân xài. 18 mình về quê, đến 26 mình mới rảnh để lên vườn. Mở thùng cá ra xem thấy khô cong, chỉ ướt chút ở thành trong. Lấy cái bay chọc thử thấy rắn, nạy lên được 1 cục trắng trắng - đưa lên mũi thử thì chỉ thấy 1 mùi đất chứ không có 1 mùi gì khác. Điều này đã được chú Thắng (thanghp164)(3) lên thăm vườn ngày 27 kiểm chứng. Như vậy, chỉ sau 10 ngày thùng phân của mình đã hoàn toàn không còn hôi nữa. Chắc ăn thì nên để thêm vài ngày là xài được.
Ngoài phân cá làm từ phế phẩm cá ra, mình còn thử nghiệm làm phân bã đậu hoặc phân xanh (rau). Cách làm hoàn toàn tương tự. Có điều rau thì nên băm càng vụn càng tốt thì sẽ nhanh phân hủy hơn, bã đậu thì rất nhanh luôn, chỉ 7-8 ngày là xài được.
Kiểm tra thùng đất ủ thì giờ chỉ thấy vảy cá chứ không thấy thịt như hồi trước
Còn đây là cục phân
Hết thùng vẫn khô cong
(*) Cách dùng phân cá:
Mỗi người có cách dùng khác nhau. Mình thì làm như sau.
- Khi thu hoạch rau, mình phơi đất mấy ngày cho khô.
- Xúc ra khoảng 1/4 thùng.
- Cho lớp đất khô đó vào 1 thùng dự trữ khác.
- Lấy số đất tương ứng ở thùng phân cá bù vào rồi trộn đều lên
- Thêm chút phân vi sinh nữa vào là trồng được.
Mình đã kiểm tra và thấy rau lên rất tốt và đủ dinh dưỡng. Các loại rau đã thử nghiệm gồm: cải mèo, cải chíp, su hào, cải cúc của mình cứ gọi là mơn mởn. Còn số đất xúc ra khi nào đầy thùng dự trữ mình lại tiếp tục làm thùng phân khác. Cứ quay vòng như thế là ta luôn có phân cá dùng trồng cây. Như vậy, rau ta trồng đảm bảo rau hữu cơ 100% luôn.
Dưới đây là chia sẻ của riêng mình. Nếu thiếu sót gìthì mọi người bổ sung giúp mình nhé. Thân
- Sáng nay 23-2, mình đi mua được 2 thùng cá. Với 2 thùng và lượng cá 2/3 mỗi thùng mình làm được 2 thùng phân to 80 lit.
Chuẩn bị phế phẩm cá - Ảnh: hientroc |
Thùng sau khi ủ xong - Ảnh: hientroc |
- Đợi xem 10 ngày nữa nó như nào nhé.
- Hôm nay là 1/3, tức là 7 ngày sau vì tháng 2 chỉ có 28 ngày, thùng phân của mình đây, đã hết mùi nhưng vẫn nóng. Mình nghĩ cái hết mùi là quan trọng ưu tiên đúng không nào.
Thử kiểm tra thùng phân cá sau 1 tuần - Ảnh: hientroc |
4. Kinh nghiệm trồng cây...
Về cách trồng cây, mình nghĩ mọi người đa phần là nắm rõ, dù không biết tí gì đi chăng nữa sau 1-2 lần thất bại sẽ rút ra kinh nghiệm ngay thôi. Mình cũng vậy. Tham gia diễn đàn này, mình thấy rất ít các bạn có vườn rộng. Có lẽ phải đến >90% là trồng rau thùng xốp, ban công, sân thượng ấy chứ. Chính vì không có hay có ít đất nên càng máu, ham mê càng nhiều chứ nếu vườn tược rộng rãi có khi lại chả ham mấy đâu. Thực tế là như vậy, mình thấy hợp với câu "Bụt gần nhà không thiêng". Cũng như trước nhà mình đầy cây ăn trái ra nhưng nhìn của người khác lại thèm, cứ thích đi ăn trộm cho bằng được. Mà cái trò đi ăn trộm quả xanh, quả chát tí ăn vẫn thấy ngon. Nhưng mọi người có công nhận trồng rau thùng xốp thích hơn là trồng rau vườn không. Mình cũng trồng rau vườn nhiều rồi và thấy như bây giờ thú vị hơn nhiều.
Đa phần mọi người trồng rau ở một diện tích nhỏ hẹp nên trồng làm sao để hiệu quả đạt cao nhất, không phí đất và để đất trống thời gian quá lâu. Như ta trồng 1 thùng cải ngồng chẳng hạn, cải ngồng khi ăn phải nhổ cả cây chứ không như cải bẹ tỉa lá nấu canh. Nhổ cây rồi ta phải đảo lại đất, thêm phân, chờ vài ngày rồi lại gieo hạt. Mà đợi hạt đó nảy mầm có lá thật cũng phải hơn chục ngày.
(*) Kinh nghiệm của mình:
- Mình dành riêng 1 thùng dài chuyên để ươm cây hoặc các bạn có thế để riêng 1 thùng đất nhỏ, ít đất chút cũng không sao. Cái này rất đơn giản, mình nghĩ ai cũng biết nhưng có thể có bạn chưa biết.
- Khi cây lớn, tính xem khoảng bao ngày nữa là măm được (cái này đến vụ thứ 2 là biết liền), áng chừng chứ không cần chính xác lắm, xác định trồng rau gì tiếp theo ta gieo hạt vào thùng ươm luôn.
- Đến khi thu hoạch rau là ta có cây nhỏ để trồng luôn, áp dụng cho những bạn ươm cây chứ ai đi mua được cây giống nhỏ thì điều này hơi thừa 1 chút. Những loại rau như họ nhà cải từ lúc nảy mầm đến khi có 2-3 lá thật còn nhanh, chứ mấy loại như súp lơ, xu hào, cà chua thành cây mà để đánh riêng ra trồng được thì rất lâu. Mình cũng bị như thế nhiều lần là khác, có thùng tính trồng mà cuối cùng đợi cây con để đất trống cả tháng trời, rất lãng phí và mất thời gian.
- Rồi đến trồng cây gì, đặc tính của cây mà sắp xếp chỗ ở cho các em hợp lí để khi các em lớn không ảnh hưởng đến cây xung quanh. Nhà bạn nào thùng để cách xa nhau còn đỡ chứ như vườn nhà mình, dãy thùng giữa kê san sát. Trồng cây không khoa học vừa kém hiệu quả mà lắm lúc bực mình.
(*) Một số hình ảnh thực tế:
Mọi người nhìn ảnh này, nãy mình mới mò mẫm lên chụp.
Thùng này là bắp cải, mai mình cũng nhổ bỏ vì sau nó chiếm hết đất mấy thùng bên cạnh
- Su hào trồng như này lá không vươn được dài, cứ chĩa lên trên. Cái nào vươn ra thì lại che hết mấy cây con của thùng khác. Mình phải dùng đũa cắm xuống đất, rồi dây chằng để lá thẳng lên trên. Như thế cuối cùng bọn su hào cũng tự che nhau. Cùng trồng mà củ ăn được rồi còn củ chỉ bằng nắm tay trẻ con, chưa kể vướng hết ra lối đi. Đấy là mình còn cắt bớt không thì rậm rạp lắm. Cái đám thùng ở giữa sau này chỉ trồng những loại như cải, muống, mồng tơi, diếp... thôi. Còn mấy loại như su hào, súp lơ mình trồng ở xung quanh.
- Mình có nghe ai nói gì mà: cấy thưa thừa thóc mà không nhớ nghe hay đọc ở đâu rồi. Trước mình hay tham, giờ vẫn còn tham. Trước mình trồng cây con thấy thưa quá, lại thêm vào cho đỡ trống đất. Cây nhiều hơn thật nhưng lại bé, èo uột, sống chen chúc. thu hoạch 2 cây bé mới bằng 1 cây to, mà đã thế còn lâu lớn nữa thì tính ra được không bằng mất.
- Dẫn chứng đây nhé. Cải chíp khi chưa tỉa bớt - trồng hàng ngang là 4 cây, mặc dù cũng lên đẹp nhưng cây rất bé.
- Còn đây là sau khi tỉa - nhìn là thấy cây to mập hơn hẳn mà chỉ có mấy hôm đã như thế rồi
- Rồi đây nữa, diếp thơm khi nó đứng 1 mình 1 góc - cây thẳng, lá vươn dài và to.
- Và khi thêm 2-3 em đứng cùng, thân thì cong queo, lá bé tí xoắn hết vào nhau trông chả ra sao cả.
- Vì vậy đừng tiếc rẻ như mình mà cuối cùng tự hại mình nha. Kể cả cây con khi gieo cũng nên gieo thưa ra thì cây sẽ khỏe, lá mầm mở sớm thân sẽ không dài ngoằng.
- Về mùa vụ trồng: Mùa nào thức nấy chắc ai cũng biết rồi mình không nhắc đến nữa.
Giờ mình mới biết được từng này thôi, nếu nhớ ra thêm gì nữa mình sẽ cập nhật sau nhé.
5. Kinh nghiệm về sâu bệnh...
Mình nghĩ sâu bệnh luôn là vấn đề nan giải cho người trồng rau sạch. Trong quan niệm của mọi người đã là rau sạch thì không phun thuốc trừ sâu hay còn gọi là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vì đã phun thuốc thì còn gì sạch nữa. Thực ra dùng thuốc BVTV không phải là xấu, quan trọng mình có dùng đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng và thời gian cách ly hay không. Vườn của mình là vườn tron nhà lưới nên các loại sâu xanh, sâu đen hay vẽ bùa hầu như không có. Chỉ có nấm bệnh. Thời gian mình trồng trọt cũng không phải là lâu nên kinh nghiệm về vấn đề này cũng rất ít. Dù ít hay nhiều cũng xin được mạn phép viết vài chữ về những kinh nghiệm mình rút ra cũng như học được của các thành viên khác trong diễn đàn.
- Về sâu bệnh:
Nhiều bạn hỏi mình làm sao để không bị sâu nữa thì mình xin trả lời là nếu không trồng trong điều kiện nhà lưới, nhà kính thì không bao giờ hết sâu cả. Trước mình đã trồng lộ thiên, trồng rau cải mà ngày nào cũng ra bắt sâu xanh mà mãi vẫn không hết. Chỉ cần không bắt một hôm thì hôm sau nhìn mấy thùng rau nát mà đau cả lòng, rồi quyết tâm bỏ hẳn 1 ngày để bắt sạch sâu, vạch từng lá từng cây và bắt hết sạch nhưng hôm sau ra xem thì vẫn thấy cây rau hôm qua mình bắt hết lại thêm mấy lỗ. Sau đó mình mới nghĩ ra là sâu đẻ trứng. Những cái trứng bé li ti màu trắng, màu vàng dính đầy trên lá, lại bỏ nguyên 1 ngày để bóp bẹp hết đống trứng đó. Và yên tâm lần này chắc hết thật. Và lần nữa lại thất vọng, chán chả muốn bắt nữa. Sau mới thấy mấy con bướm dập dờn, mỗi lần đậu là 1 lần cong đuôi và lá rau có thêm 1 đốm trắng. Ngoài ra còn vô số những loại bọ nhảy hay bọ gì đó làm lá rau thủng lỗ chỗ. Mọi người thấy vườn cô Van105 chỉ hở chút xíu chỗ nào là rau chỗ ấy có lá thủng, còn để cản không cho bướm đẻ thì mình cũng vô phương. Trước mình cũng đọc ở đâu bảo giã tỏi pha với nước xịt vào gây mùi sẽ hạn chế bướm, mình cũng làm theo nhưng thấy chỉ được mấy hôm. Những vùng trồng rau rộng lớn nhất là họ nhà cải mà không phun thuốc thì gốc cũng chẳng có mà ăn chứ đừng nói đến lá. Nếu bạn trồng rau trên cao gió to bướm không bay tới cũng đỡ phần nào còn không muốn phun thuốc thì chỉ có cách thủ công nhất là bắt bằng tay mà thôi.
- Về thuốc BVTV:
Các loại thuốc BVTV có đến cả trăm loại, bà con nông dân mấy chục năm trồng trọt cũng chưa chắc đã nhớ hết được tên thuốc. Cũng như khi chúng ta đau ốm không đến bác sĩ thì ra hiệu thuốc bảo tôi như này, như kia, nói triệu chứng rồi dược sĩ họ bán cho mang về uống. Ý mình nói chỉ những người được đào tạo chuyên môn rồi làm việc vài năm mới có đủ kiến thức để nhớ tên các loại thuốc cũng như công dụng của nó. Vì vậy bạn bị sâu bệnh và muốn biết đó là bệnh gì. Hỏi mọi người cũng không biết thì cách tốt nhất là tra google. Gõ tên các triệu trứng của lá rau lên là ra 1 loạt hình ảnh hay kết quả để tham khảo và tất nhiên có cả cách trị nữa. Sau đó ta ghi tên các loại thuốc trị mang ra cửa hàng thuốc BVTV nói họ bán cho. Xem loại nào ít độ độc, ngày cách li ít thì mua về xài theo hướng dẫn sử dụng là được.
- Vườn của mình đến bây giờ đã bị qua 3 loại sâu hại: rệp, bọ trĩ và phấn trắng. Mình thấy rệp thường chỉ thích ớt, cải, bắp cải chứ mấy loại như su hào, diếp, dưa ngay cạnh chúng cũng không thèm sang ăn. Bọ trĩ thì chuyên tấn công họ dây leo, làm đọt xoăn lại, lá chai cứng không ra được trái, bọ phấn trắng thì mình thấy hay tấn công cây kinh giới và dưa leo. Phấn trắng nếu không chữa cũng lây lan rất nhanh ảnh hưởng rất nhiều đến nắng suất của dưa. Đấy là những loại cây mình trồng còn tất nhiên các bệnh đó cũng ở cây khác nữa. Về bọ trĩ, bạn nào trồng dưa chịu khó để ý sớm khi cây còn non, phát hiện thấy hiện tượng bọ trĩ tấn công phải phun thuốc ngay. Mình trồng dưa leo bị 1 lần khi đó không phát hiện sớm để bị nặng quá không cứu được đã phải bỏ cả loạt. Nhưng sau đó mình lại ươm và trồng dưa luôn và vụ sau lại bị tiếp. Cũng may phát hiện sớm và diệt trừ được. Vì vậy khi bạn bị bọ trĩ, khi bỏ cây phải khử bệnh cho đất bằng vôi, để 1 thời gian lâu chút hãy trồng vụ mới. Nếu cây của bạn bị bệnh mà không biết bệnh gì nhanh nhất là cứ vặt lá hoặc ngọn rồi mang ra nơi bán thuốc hỏi người bán để họ bán cho thuốc mình cần. Nhưng vẫn phải xem đó là thuốc gì, sử dụng ra sao chứ đừng cứ mua về là xịt bừa phứa nha. Khi xịt thuốc cũng phải để ý hướng gió nữa, tốt nhất là lúc mát trời và lặng gió chứ không bay hết vào đám rau diếp mơn mởn xong hôm sau lại hái để ăn sống là nguy hiểm lắm đó. Bây giờ thỉnh thoảng vườn mình cũng bị rệp, mình phun dầu khoáng, còn bị nhiều quá mình nhổ bỏ luôn cả cây rồi rắc vôi phơi đất 1 thời gian là hết. Bạn nào ở nông thôn thì chắc không thiếu chỗ bán thuốc BVTV, còn ai ở thành phố có thể không biết. Cách tốt nhất là cứ ra chỗ nào trồng nhiều rau màu hỏi nông dân ở đấy người ta chỉ cho. Sài gòn mình không biết chứ Hà nội thì ra khu vực cầu Chương Dương thiếu gì người trồng rau hoặc tra google "địa chỉ bán thuốc BVTV ở HN" chẳng hạn.
6. Kết luận:
Trên đây là đôi điều mình học được và chia sẻ cho mọi người, chắc chắn là thiếu sót rất nhiều. Nhưng mong rằng những kiến thức nhỏ nhoi ấy sẽ giúp bạn, những người mới và thích trồng rau sẽ đỡ vất vả hơn với niềm đam mê của mình. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết của mình. Chúc mọi người đều có được vườn rau xanh tốt như ý nhé. Thân.
Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2, Phần 3,... của loạt bài viết Kinh nghiệm trồng rau của bạn Hiển nhé.
(*) Ghi chú:
(1), (2), (3) ở trên là: Các thành viên có nhiều kinh nghiệm về trồng rau trên diễn đàn rau sạch
Nguồn: hientroc - rausach.com.vn
Chia sẻ:
Chia sẻ
Chia-sẻ,Kinh-nghiệm-phòng-trừ-sâu-bệnh,Kinh-nghiệm-sử-dụng-phân-bón,Kinh-nghiệm-trồng-rau
2013-10-16T23:15:00+07:00
2013-10-16T23:15:00+07:00
Loading...
CÁC BẠN CÓ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VUI LÒNG VIẾT VÀO Ô COMMENT DƯỚI ĐÂY
Sory cả nhà vì hình up lên imagehack.us của bạn hientroc bị lỗi nên tạm thời chưa thể khắc phục được. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.
Trả lờiXóacó phần 2,3.. chưa
Trả lờiXóaBạn ấy bạn quá nên giờ ít viết bài rồi. Có lẽ đợi phần 2, phần 3 hơi bị "dài hơi" đó. Chỉ có phần 2, phần 3 của các "pro" trồng rau khác thôi. Bạn có thể tham khảo thêm trên web. VRS sẽ cố gắng tập hợp một số bài viết hay để đăng lên website phục vụ bạn đọc. Chào bạn.
XóaBạn ấy bạn quá nên giờ ít viết bài rồi. Có lẽ đợi phần 2, phần 3 hơi bị "dài hơi" đó. Chỉ có phần 2, phần 3 của các "pro" trồng rau khác thôi. Bạn có thể tham khảo thêm trên web. VRS sẽ cố gắng tập hợp một số bài viết hay để đăng lên website phục vụ bạn đọc. Chào bạn.
XóaMình muốn trồng rau sạch, mình cũng đang tham khảo website http://giaiphapvuonxanh.vn/trong-thuy-canh này để tìm cách trồng rau sạch hiệu quả, cảm ơn bài viết rất hay, mong được học nhiều kiến thức hơn nữa
Trả lờiXóahttps://www.youtube.com/watch?v=8hL-4UjuKAs&t=21s
Trả lờiXóamời các bạn tham quan mô hình của mình
Có ai dùng sản phẩm này chưa ạ https://thaprauxanh.com/thap-rau-huu-co/
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaHạt giống tốt rất quan trọng cho việc trồng rau. Nếu bạn muốn tìm những giống hạt mới, lạ và có ưu thế giống vượt trội, an toàn không biến đổi Gen thì hãy ghé www.HatGiongTheGioi.com nhé
Trả lờiXóahay quá đi cám ơn nhiều nhé
Trả lờiXóa