Tự chế thuốc trừ sâu sinh học giá rẻ, hiệu quả cao
Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013
![]() |
Ảnh: Thuốc trừ sâu chế từ cây cỏ, gia vị hàng ngày - nguồn: vietbao.vn |
Với phương pháp trồng rau hữu cơ thì biện pháp sử dụng thuốc trừ sâu hoá học gần như là không thể nếu muốn đảm bảo rau sạch, an toàn đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, đã trồng rau thì sẽ có sâu hại, mức độ hại nặng, nhẹ còn tuỳ vào tình hình thời tiết và thời vụ trồng rau, tuỳ vào loại rau canh tác mà có các loại sâu hại rau đặc trưng. Do vậy, cần thiết phải có một số biện pháp mang tính sinh học, ít hoặc không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sinh thái.
Qua tham khảo một số nhà vườn thì ngoài các thuốc trừ sâu sinh học có bán sẵn trên thị trường như các loại dầu khoáng SK Enspray 99EC, dầu khoáng đầu trâu Bio hopper 270EC, các thuốc nguồn gốc anbamectin, thuốc gốc cúc,… thì nhà nông còn tự chế ra những sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học giá rẻ mà hiệu quả tương đối cao. Những loại thuốc này về cơ bản có thể diệt tới 85-90% lượng sâu hại trên rau mà chi phí có thể giảm tới 45-50%.
Hiện nay, có nhiều cách chế thuốc trừ sâu sinh học, có thể kể đến là các phương pháp sử dụng các loại cây cỏ có độc tố đối với sâu hại hay những biện pháp khác như sử dụng thuốc lào, sử dụng vỏ trứng,… Việc sử dụng các loại cây cỏ có chứa chất độc có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ cây trồng mà không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, không làm ô nhiễm môi trường và đặc biệt là có thể tự làm lấy để sử dụng.
1. Trong các loại củ, quả như: giềng, gừng, tỏi, ớt… chứa hàm lượng axit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu bọ hại cây trồng và có thể tiêu diệt chúng.
2. Trong rễ của cây thuốc cá…, trong lá và thân của cây xoan, thuốc lá…, trong lá của cây cà chua có chất Alkaloids, trong hạt của quả na, hạt củ đậu…có chứa những độc tố đối với sâu bệnh hại.
3. Sử dụng thuốc lào, thuốc lá cũng có tác dụng diệt trừ sâu hại.
(*) Phương pháp chế biến:
Có một số phương pháp đơn giản mà ai cũng có thể tự làm, đó là:
- Ngâm rươu, cồn:
+ Thu hái cây cỏ, rau có chứa độc tố, ví dụ: cà chua, gừng, tỏi, ớt…
+ Rửa sạch, thái nhỏ thành lát hoặc cắt chỉ.
+ Ngâm rượu hoặc cồn trong xô, chậu,… trong khoảng 1 khoảng thời gian tuỳ từng loại, thường ngâm trong 3-7 ngày để có đủ lượng độc tố cần thiết.
+ Sau ngâm, đổ vào mảnh vải xô rồi chắt lấy nước trong rồi hoà thêm nước đem phun.
- Đun sôi:
+ Rửa sạch cây cỏ
+ Thái nhỏ
+ Đun sôi từ 1 – 2giờ.
+ Nấu xong, gạn lấy nước, để nguội. Khi phun hoà thêm nước lã.
- Ép (chiết xuất):
+ Rửa sạch
+ Ngâm vào nước một lúc, khoảng 15 phút
+ Cho vào giã hoặc xay lấy nước.
(*) Chế biến dùng cho quy mô gia đình:
- Chế biến từ tỏi:
+ Dùng 2, 3 củ tỏi to bóc sạch vỏ, giã nghiền nát
+ Pha với 2 cốc nước, ngâm 1 ngày
+ Sau đó lấy ra lọc nước cốt, pha với 4 lít nước
+ Cho vào ô roa, bình phun mưa đem phun lên cây bị bệnh.
+ Phun lúc trời mát, phun đều các mặt lá cả trên và dưới, thân cây, gốc cây.
- Chế biến từ ớt:
+ Chọn ra khoảng 10 quả ớt chỉ thiên
+ Nghiền nát bằng máy xay sinh tố hoặc giã nghiền nát bằng cối cũng được.
+ Ngâm bột ớt qua ít nhất 1 đêm
+ Sau đó lấy ra lọc nước cốt, pha với 1 lít nước
+ Cho vào ô roa, bình phun mưa đem phun lên cây bị bệnh.
+ Phun lúc trời mát, phun đều các mặt lá cả trên và dưới, thân cây, gốc cây.
- Chế biến từ lá cà chua:
+ Chọn ra khoảng vài chục lá cà chua
+ Nghiền nát rồi ngâm với 2 cốc nước qua đêm
+ Gạn lấy nước trong, pha thêm 2 cốc nước
+ Cho vào ô roa, bình phun mưa đem phun lên cây bị bệnh.
+ Phun lúc trời mát, phun đều các mặt lá cả trên và dưới, thân cây, gốc cây.
- Chế biến hỗn hợp: gừng, tỏi, ớt, giềng.
+ Chuẩn bị một lượng vừa đủ các loại tỏi, ớt, gừng, giềng…
+ Rửa sạch
+ Nghiền nát các loại củ, quả này.
+ Sau đó đem ngâm với rượu hoặc cồn trong khoảng 15 ngày để cho các chất cay, nóng ngấm đều với nhau.
+ Gạn lấy nước trong bằng vải xô sạch.
+ Từ dịch này chỉ cần pha loãng với nước là có thể phun lên cây trồng.
Đây là loại hỗn hợp bao gồm chất cay, nóng của ớt, tỏi, gừng, giềng, rượu… nên khi phun thứ dung dịch này, sâu co mình lại và chết rất nhanh, có thể tiêu diệt được 85- 90% sâu hại.
Thời gian bảo quản và sử dụng thuốc tự chế này lên tới 4- 5 tháng.
- Chế biến từ thuốc lào:
Nếu không có lá thuốc lào, thuốc lá có thể:
+ Dùng 1 gói thuốc lào Tiên Lãng hoặc 1 bao tàn thuốc lá
+ Đem ngâm trong nước ấm 1 đêm
+ Lọc lấy nước bằng vải xô, khăn sạch
+ Cho thêm 1 thìa cà phê nước rửa bát Mỹ Hảo
+ Hoà dung dịch ấy với 4-8 lít nước
+ Cho vào ô roa, bình phun mưa đem phun lên cây bị bệnh.
+ Phun lúc trời mát, phun đều các mặt lá cả trên và dưới, thân cây, gốc cây.
(*) Phương pháp sử dụng:
Tùy theo đối tượng sâu hại trên rừng loại cây trồng mà ta sử dụng nồng độ đặc hoặc loãng khác nhau. Khi pha chế các loại thuốc từ cây cỏ ta có thể cho thêm ít xà phòng hoặc dầu khoáng nhằm làm tăng độ bám dính của thuốc. Những loại chế biến từ cây cỏ rất phù hợp để tiêu diệt các loại sâu hại rau nhằm tạo ra các sản phẩm rau quả an toàn.
(*) Phương pháp nhận biết các loại cây cỏ có khả năng diệt côn trùng:
- Quan sát chất dịch (nhựa) của cây:
Nếu dịch cây có mùi nồng, làm da người bị dị ứng nóng hoặc mẩn ngứa thì dịch của cây đó có chứa độc tố (cây thuốc cá, hạt củ đậu).
- Ngửi mùi:
Những cây có chứa chất độc đều có mùi nồng, hắc, cay... nói chung là khó ngửi (lá và vỏ của cây xoan, lá thuốc lá, thuốc lào, cây cà độc dược...).
- Theo dõi những động vật nhỏ sống quanh cây (nhện, kiến...):
Nếu không có những động vật nhỏ sống quanh cây và dùng cây làm thức ăn thì có thể nhận định cây đó có chứa chất độc có thể dùng làm thuốc trừ sâu (riêng cây thuốc lá, thuốc lào vẫn có rệp và sâu xanh gây hại).
(*) Ưu điểm:
Với cách làm trên, chúng ta hoàn toàn có thể tự chế thuốc trừ sâu sinh học từ các loại cây cỏ hàng ngày dể diệt trừ sâu bệnh hại rau mà không nhất thiết phải dùng đến biện pháp hoá học. Nếu phung phòng trừ sớm có thể diệt trừ tới 85-90% sâu hại, giúp rau phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Vật liệu làm thuốc trừ sâu sinh học dễ kiếm, giá rẻ, tiện lợi, cần làm lúc nào là có lúc đó, không lo hết hạn, không lo dự phòng.
Phun bằng thuốc trừ sâu sinh học tự chế, không cần cách ly hoặc cách ly 1,2 ngày cho bớt mùi mà không sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu chăm bón tốt, chúng ta sẽ có những mớ rau sạch đúng nghĩa.
(*) Tài liệu tham khảo:
- Báo nông nghiệp
- nongnghiep.vn
- trongraulamvuon.vn
- vietlinh.com.vn
- tienggiang.gov.vn
- vietbao.vn
- vietbao.vn
Chia sẻ:
Chia sẻ
Bệnh-giải-pháp,Giải-pháp-phòng-trừ,Thuốc-bvtv,Tin-tức
2013-10-03T00:28:00+07:00
2013-10-03T00:28:00+07:00
Loading...


CÁC BẠN CÓ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VUI LÒNG VIẾT VÀO Ô COMMENT DƯỚI ĐÂY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét