Chia sẻ - Một số kinh nghiệm trồng rau tại nhà nên biết
Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014
Hiện nay, thực trạng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là rau xanh đang báo động đỏ. Mọi thứ đều trở nên "bẩn" với cái mác "lợi nhuận". Rau xanh cũng không phải ngoại lệ.
![]() |
Trồng rau sạch tại nhà - Ảnh: abanle |
Nhận thức được vấn đề như vậy, đã có rất nhiều công ty, nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển mô hình trồng rau trên đồng ruộng sang mô hình trồng trồng rau tại nhà bằng cách cung cấp dịch vụ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của người dân là tự cung cấp rau sạch tại nhà. Tuy nhiên, vấn đề là các công ty với số lượng nhân viên ít, vườn rau nhiều nên không thể quán xuyến hết việc chăm sóc vườn rau tại các gia đình được tốt. Vì thế, dần dần vườn rau cũng không thể đẹp như ban đầu. Mặt khác, nhu cầu của người dân là tự tay trồng và chăm sóc rau sạch tại nhà cũng không hề ít, do vậy nhiều người sẵn sàng bỏ ra thời gian, tiền bạc để học hỏi, tự trồng và chăm sóc vườn rau của mình.
Tuy nhiên, với đa số người trồng rau tại nhà, đặc biệt là nhà phố, họ gặp một số khó khăn sau đây:
- Diện tích trồng: hạn chế. Nhà ở đã chật lấy đâu chỗ trồng rau. Do vậy, họ phải tìm cách trồng trên sân thượng, ban công, mặt ngõ,... với không gian nhỏ, hẹp.
- Thiếu kiến thức về trồng rau: Do đa phần là công chức, ngày ngày đi làm công sở, sớm, tối hoặc ngày nghỉ tranh thủ trồng rau nên kiến thức còn hạn chế.
- Thiếu kinh nghiệm: Trồng rau tuy dễ nhưng để có năng suất cao, sản phẩm trồng ra là an toàn thì cần nhiều kinh nghiệm về trồng và chăm sóc, bón phân, tưới nước cho rau.
- Một số khó khăn khác: tài chính, công nghệ trồng,...
Bởi vậy, để góp phần phổ biến trồng rau sạch tại nhà, trồng rau an toàn tại nhà, VRS đã đăng một số tài liệu, kiến thức cũng như kinh nghiệm trồng của các bậc lão làng, các đàn anh, đàn chị, những pro... trồng rau nhằm phục vụ việc tự trồng và trồng được những vườn rau sạch tại nhà cho quý bạn đọc ở các số trước. Trong số này, VRS lại tiếp tục sưu tầm và chọn lọc một số kinh nghiệm về trồng rau sạch tại nhà như sau:
1. Ngâm ủ hạt giống trước khi gieo:
Tại sao phải ngâm ủ? Không ngâm ủ hạt có nẩy mầm được không?
Với đa số hạt, việc ngâm ủ hạt nhằm mục đích đánh thức hạt, để hạt chuyển từ giai đoạn ngủ đông sang giai đoạn sinh trưởng. Việc ngâm ủ hạt nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất để hạt có thể nhanh chóng nẩy mầm. Thông thường, cần ngâm hạt trong thời gian 2-10 giờ sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt trong thời gian 1-2 ngày, khi thấy hạt vừa nức vỏ thì mới bắt đầu trồng vào chậu nhựa, khay nhựa, thùng xốp...
Việc không ngâm ủ mà cứ thế gieo ngay vào thùng, chậu trồng,... thì hạt vẫn có khả năng nảy mầm. Tuy nhiên, vì không được kích thích, tạo điều kiện thuận lợi cho nó thì hạt sẽ lâu nảy mầm. Giả sử không ngâm ủ hạt, hạt sẽ nẩy mầm trong 20 - 30 ngày, ví dụ như hạt mồng tơi. Nếu ngâm ủ hạt đúng kỹ thuật chỉ mất 2 - 3 ngày.
Với các hạt thông thường, các bạn chỉ cần ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh trong 2 - 10h tuỳ loại hạt rồi để ráo nước, đem ủ trong khăn ẩm hoạc giấy ăn, khi thấy mọc mầm đem gieo là OK. Còn đối với hạt vỏ cứng, xem cách ngâm ủ hạt tại đây.
2. Chọn đất trồng rau phù hợp
- Thông thường, ban đầu chúng ta hay mua đất sạch để trồng. Nên chọn đất của hãng có thương hiệu như Tribat, Better... Tuy nhiên, khi trồng một, hai vụ đất kém màu sẽ không đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng. Do vậy, bạn cần phải bón thêm phân cho đất. Có như thế, rau trồng trên đất đó mới lên tốt được. Với rau ăn lá, bạn chỉ cần dùng phân hữu cơ. Với rau ăn củ quả như cà chua, xu hào, đậu đũa... cần sử dụng thêm phân NPK hoặc dung dịch thuỷ canh.
- Nếu không mua đất sạch, bạn chỉ cần tận dụng đất thịt hoặc đất thịt pha cát có sẵn rồi trộn thêm phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa, mùn cưa, vỏ lạc, vôi bột... vào là có thể trồng ngay. Tham khảo thêm cách làm phân cá tại đây hoặc tại đây; cải tạo đất tại đây...
3. Quan điểm dùng phân hóa học (phân vô cơ):
- Quan điểm trồng rau tại nhà để rau sạch, rau an toàn không sử dụng phân hoá học là sai hoàn toàn. Quan điểm này cần phải hiểu như sau:
Người trồng rau bán trên thị trường có sử dụng phân hoá học N P K và họ lạm dụng phân hóa học để rau mau lớn cho nhiều nhánh lá miễn bán nhiều tiền không cần quan tâm đến liều lượng và thời gian cách ly theo yêu cầu. Do đó, rau họ trồng là rau không an toàn cho con người.
Còn khi trồng rau tại nhà chúng ta đã khống chế liều lượng dưới ngưỡng cho phép và thời gian cách ly đúng yêu cầu thì khi thu hoạch rau tại nhà vẫn đảm bảo sạch và an toàn. Dùng thế nào và cách ly ra sao, mời bạn xem chỉ dẫn trên từng loại phân bón mà bạn sử dụng và loại cây mà bạn trồng.
- Do phân hóa học như Urê, Lân, Dap… có giá thành khá rẻ dễ tìm, lại dễ sử dụng, tốt nhất nên pha loãng vào nước sạch tưới cho rau là an tâm. Chú ý liều lượng và thời gian cách ly ghi trên vỏ bao bì phân bón.
Vì vậy đề nghị các bạn xem lại quan điểm không dùng phân hóa học khi trồng rau tại nhà.
4.Tái sử dụng lại đất trồng rau
Để có thể tái sử dụng lại đất, sau khi thu hoạch chúng ta nên dọn dẹp hết tồn dư thừa còn trong đất, xong đem phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 4-10 ngày để tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó trộn thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế, phân cá, phân bã đậu, phân bò ủ hoai, tro trấu, vôi bột,... với tỷ lệ hợp lý rồi đem trồng lại lứa rau mới. Tỷ lệ này thế nào xin xem bài sau
5. Tưới nước
Do đặc điểm trồng rau tại nhà, đặc biệt là trồng trong thùng xốp, chậu nhựa ở trên sân thượng, ban công nên khá nóng dễ mất nước. Rau trồng tại nhà có nhu cầu nước rất cao, nếu mùa nắng gắt như hiện nay thì phải tưới 2 lần trong ngày, trường hợp rau còn nhỏ hay khi vừa mới trồng sang chậu thì cần che bớt ánh nắng gắt lúc giữa trưa giúp rau không bị héo lá.
Ngược lại khi mưa bão kéo dài, thời tiết trở lạnh đột ngột thì rau rất dễ nhiễm bệnh do nước mưa làm dập lá rau, hay nước dư thừa dẫn đến làm hư thối rễ rau. Nên có biện pháp che không cho nước mưa rơi trực tiếp xuống chậu rau, có thể phun thêm phân bón lá vitamin và vi lượng tăng đề kháng cho rau trồng.
Tưới đủ theo nhu cầu của cây. Không tưới quá nhiều hoặc quá ít dễ gây bệnh cho cây. Một số bệnh do tưới nước quá nhiều gây ra như: thối cổ rễ, nấm...
6. Thu hoạch
Đối với loại rau có thể thu hoạch nhiều lần như mồng tơi, rau muống,…. khi cắt rau nên dùng dao hay kéo bén cắt rau không làm dập thân nhánh thì cây rau sẽ cho lại nhánh mới.
Nếu trồng các loại cải nên nhổ cả cây tỉa thưa ăn dần, các cây cải còn lại sẽ nhanh lớn hơn do không bị canh tranh dinh dưỡng, ánh sáng...
Sau mỗi đợt nhổ hay cắt rau thu hoạch nên bổ sung phân vô cơ và hữu cơ (phân trùn quế, phân cá,...) để rau trồng mau mọc thêm nhánh lá mới.
7. Sâu bệnh:
Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình phát triển của cây rau. Nếu phát hiện sâu, bệnh hại (qua các triệu chứng như có trứng sâu, bướm, lá xoăn, héo, vàng, thối cổ rễ...) thì cần tìm biện pháp ngăn chặn ngay.
Nếu số lượng ít ta có thể bắt bằng tay hoặc dùng bẫy.
Sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại bằng phương pháp sinh học, thảo mộc. Không nên sử dụng biện pháp hoá học cho trồng rau tại nhà.
8. Luân canh, xen canh.
Luân canh cây trồng với nhau trên cùng 1 chân đất, đổi loại cây trồng khi thu hoạch xong. Ví dụ, vụ này trồng cây họ cà thì vụ sau trồng cây họ đậu trên chân đất đó.
Một số loại rau hạn chế được sâu bệnh của họ rau khác, ví dụ trồng hành xen canh cải sẽ hạn chế được sâu tơ, sâu xanh. Do đó, trong chậu cải nên trồng thêm vài cây hành...
9. Làm giàn:
Một số cây rau cần làm giàn như mướp, bầu, bí,... chúng ta sử dụng thép chữ V để làm các cột trụ Sử dụng lưới làm giàn có bán sẵn trên thị trường (lưới lỗ 20 x 20...) để căng phía trên cho cây leo. Như thế cây mới ra quả được.
![]() |
Lưới giàn neo - Ảnh: luoithaiviet |
10. Công nghệ trồng:
Hiện nay, ở Việt Nam đang tồn tại hai kiểu trồng là trồng trên đất và trồng thuỷ canh (không dùng đất). Nếu không gian rộng và ưa thích thổ canh, bạn có thể trồng trên đất. Ngược lại, bạn có thể lựa chọn công nghệ thuỷ canh để tăng diện tích trồng và hạn chế sâu bệnh cũng như tự động hoá được một số khâu.
Trên đây là một số kinh nghiệm ít ỏi, hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy một chút ít kiến thức có lợi cho công việc trồng rau tại gia. Chúc bạn đọc có thành quả khi bước chân vào công nghệ làm nông đầy vất vả này.
P/s: Bài viết có sử dụng một số kinh nghiệm sưu tầm được từ các pro diễn đàn rau sạch.
Chia sẻ:
Chia sẻ
Chia-sẻ,Kinh-nghiệm-trồng-rau
2014-03-06T17:24:00+07:00
2014-03-06T17:24:00+07:00
Loading...


CÁC BẠN CÓ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VUI LÒNG VIẾT VÀO Ô COMMENT DƯỚI ĐÂY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét