Rau bị ngộ độc vì sao?
Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014
Rau bị ngộ độc vì sao?
Rau độc => Người ăn rau độc, gia súc ăn rau cũng độc => Bệnh tật => Chết.
Thật kinh khủng. Chúng ta cùng tìm nguyên nhân qua bài viết sau đây
![]() |
Rau độc hại là có nguyên nhân của nó? |
Để có đủ lượng rau cung cấp, cần tăng sản lượng rau trồng và phát triển các vùng rau chuyên canh. Nhưng lại muốn có năng suất cao và nhiều chủng loại rau, nhiều vùng, người trồng rau đã ứng dụng ồ ạt thiếu chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật về nông hoá thổ nhưỡng, công nghệ sinh học và hoá chất làm ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm rau một cách nghiêm trọng. Sự ô nhiễm này đã ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm lý người tiêu dùng.
Đây là vấn đề rất phức tạp, khó có thể giải quyết ngay một sớm một chiều, cần có sự tuyên truyền, giáo dục ý thức, nâng cao hiểu biết về kỹ thuật trồng rau và các nguyên tắc cần tuân thủ đối với người trồng rau và người tiêu dùng... Nguyên nhân gây ngộ độc khi dùng rau có thể rất nhiều, xin ghép lại thành một số vấn đề chính.
1. Rau bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật.
Rau là cây trồng trong thời gian ngắn, nhu cầu dinh dưỡng của nó rất cao, đất trồng rau luôn ẩm ướt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh và phát triển. Người trồng rau muốn có năng suất cao bắt buộc phải phun thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại. Khi phun thuốc tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt lá, quả, thân, mặt đất, mặt nước và tạo thành một lớp lắng động đó là chất dư lượng ban đầu của thuốc.
Theo thống kê của Viện bảo vệ thực vật, hiện nay ở Việt Nam đang dùng khoảng 270 loại thuốc trừ sâu, 216 loại thuốc trị bệnh, 160 loại thuốc diệt cỏ, 12 loại thuốc diệt chuột và 26 loại thuốc kích thích sinh trưởng. Hàng năm lại có nhiều thứ thuốc khác ra đời chưa kể thuốc nhập lậu không qua kiểm soát.
Chủng loại thuốc nhiều, song do thiếu hiểu biết, do thói quen sợ mất mùa nên nhiều nơi vẫn dùng các loại thuốc đã quen thuộc, những loại thuốc này thường là thuốc có độ độc cao đã bị cấm dùng hoặc hạn chế dùng ở các nước khác như DDT, monitor, volfatoc,... Mặt khác, các loại thuốc này giá thành rẻ, diệt được nhiều chủng loại sâu, hiệu quả lại cao nên người trồng rau vẫn thích dùng.
Do đó mà số người bị ngộ độc rau ăn ngày càng cao, theo thống kê của Bộ y tế, năm 1997 có 585 vụ ngộ độc với 6421 người, đã làm chết 46 người trong số đó có 6103 người ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn rau và tự tử bằng thuốc trừ sâu. So với năm 1996 có 50 vụ với 1341 người bị ngộ độc với 25 người chết...
Gần đây, ở nhiều địa phương những người trồng rau không thực hiện đúng quy định khi phun thuốc như vừa phun thuốc vài ngày đã thu hoạch rau, khi đi phun không đeo khẩu trang, phun ngược gió cũng làm bản thân người trồng rau bị ngộ độc.
Mặt khác, các chất độc hại này chưa được các cơ quan nhà nước quản lý, các cơ sở kinh doanh thuốc không có giấy phép nên thuốc cấm dùng còn nhập tràn lan. Ngay cả Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh thuốc volfatoc, monitor vẫn còn phun với khối lượng lớn hơn quy định 6,45 lần/vụ với các loại rau cải, 5,7 lần với đậu đỗ.
Ở những vùng trồng rau chuyên canh như Hà Nội, Đà Lạt hệ số sử dụng ruộng đất cao, thời vụ trồng rải đều quanh năm đã tạo nguồn thức ăn liên tục cho sâu và tạo điều kiện cho bướm ngày càng di chuyển mạnh từ ruộng sắp thu hoạch sang ruộng trồng mới, do đó phải dùng thuốc trừ sâu thường xuyên. Ví như một vụ bắp cải phải phun 7 - 15 lần với lượng thuốc 4 - 5 kg a.i (hoạt chất gây độc có trong sản phẩm, tạo nên tính chất và công dụng của sản phẩm đó) trong thời gian 75 - 90 ngày. Người trồng rau cũng không chú ý đến thời gian cách ly an toàn từ khi phun lần cuối đến lúc thu hoạch theo quy định của từng loại thuốc. Nhiều người trồng rau để bán được giá thường thu hoạch sau khi phun 3 ngày, còn rau để gia đình ăn thì không phun thuốc hoặc phun rất ít.
Trong việc bảo vệ hạt giống hiện nay người ta vẫn dùng DDT nên mức độ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật càng phức tạp. Hậu quả của việc dùng thuốc bừa bãi, không có quản lý nên hằng năm có nhiều người ngộ độc nhẹ gia đình tự xử lý ở nhà nên không thể thống kê hết được.
2. Rau bị ô nhiễm do hàm lượng nitrat quá cao.
Theo quy định chung của thế giới thì một loại rau được gọi là rau sạch thì phải có lượng nitrat thấp. Đặc điểm của nitrat (NO3) khi vào cơ thể ở mức bình thường không gây độc. Trong hệ tiêu hoá nitrat được khử thành nitric (NO2). Nitric là chất chuyển hoá oxyhaemoglobin (chất vận chuyển ô xy trong máu) thành chất không hoạt động được là methaemogllobin. Nếu lượng nitrat vượt mức cho phép, lượng nitrit sẽ nhiều lên và làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và phát triển khối u. Trong cơ thể người, lượng nitrat cao có thể gây phản ứng amin thành chất gây ung thư. là nitrosamin. Khi NO3 vượt quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nên các nước nhập khẩu rau đều kiểm tra lượng NO3 trước khi cho nhập rau tươi. Tổ chức y tế thế giới WHO và cộng đồng kinh tế châu Âu (EC) giới hạn hàm lượng nitrat trong nước uống là 50mg/l, hàm lượng trong rau không quá 300mg/kg rau tươi. Xem bảng Hàm lượng (mg/kg sản phẩm theo tiêu chuẩn của WHO).
![]() |
Bảng hàm lượng nitrat theo WHO |
Ở nhiều nước tiên tiến như Hoa Kì cho rằng hàm lượng nitrat phụ thuộc vào từng loại rau ví dụ măng tây không quá 50 mg/kg, cải củ cho phép 3600, cà rốt - 250mg/kg; dưa chuột - 150 mg/kg... Trong khi đó lượng tồn dư nitrat ở Việt Nam quá cao (Xem bảng tồn dư NO3 trong các mẫu rau).
![]() |
Bảng tồn dư nitrat tiêu chuẩn |
3. Do tồn dư kim loại nặng
Việc dùng phân hoá học và chất bảo vệ thực vật đã làm cho lượng N.P.K và hoá chất bị rửa trôi xuống mương, cống và ao, hồ, sông suối... từ đó thâm nhập vào các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Các kim loại năng như sắt (Fe), đồng (Cu), kẽm (Zn)... tiềm ẩn trong đất và thẩm thấu từ nước thải thành phố, các khu công nghiệp chuyển trực tiếp qua nước tưới, được rau hấp thụ đã làm cho người dùng rau bị nhiễm độc kim loại nặng.
Ngoài ra, việc dùng phân lân bón lót cho rau cũng làm tăng lượng cadin (cd) trong đất, người ta tính cứ trong 1 tấn supe lân có chưa 50 - 170g cd vào trong sản phẩm rau. Ví dụ khu vực nhà máy pin Văn Điển và nhà máy hoá chất Đức Giang có hàm lượng sufat tích luỹ trong lớp đất mặt vào mùa khô (mùa trồng rau chính) so với khu vực xa nhà máy 15 - 18 lần.
4. Do vi sinh vật gây hại rau.
Một số vùng chuyên canh rau có tập quán dùng nước phân tươi tưới cho rau. Đó là một trong những nguyên nhân làm rau bị ô nhiễm. Trong nước phân mang nhiều vi sinh vật gây hại như trứng các loài giun, vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy, Salmonella là sinh vật ký sinh đường tiêu hoá nên gây thiếu máu. Theo điều tra một số xã trồng rau ở Hà Nội, trồng rau thường xuyên bón phân bắc tươi thấy có tới 53,3% người có triệu chứng thiếu máu, 60% số người bị bệnh ngoài da và vi sinh vật trong sản phẩm rau tươi.
![]() |
Bảng ngưỡng giới hạn hàm lượng kim loại nặng cho phép |
Như vậy, muốn cho người tiêu dùng không bị ngộ độc các sản phẩm rau phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Sạch, hình thức hấp dẫn: rau phải tươi, sạch bụi và không có tạp chất. Thu hoạch đúng độ chín để có chất lượng cao nhất, rau không có triệu chứng bệnh và bao bì đựng rau phải hấp dẫn.
2. Các sản phẩm của rau không chứa các dư lượng vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của vệ sinh y tế: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; dư lượng nitrat; dư lượng kim loại nặng; không có vi sinh vật gây bệnh.
Muốn làm được theo các yêu cầu trên, sản xuất ra được rau sạch phụ thuộc vào môi trường trồng, kỹ thuật trồng và công nghệ trồng rau.
Nguồn: Nông nghiệp VN
Chia sẻ:
Chia sẻ
Tin-NN,Tin-tức
2014-03-01T14:30:00+07:00
2014-03-01T14:30:00+07:00
Loading...


CÁC BẠN CÓ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VUI LÒNG VIẾT VÀO Ô COMMENT DƯỚI ĐÂY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét