
Hỏi - đáp: Đặc điểm hình thái của côn trùng? Các bộ côn trùng nào thường gây hại phổ biến trên cây trồng?
Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013
![]() |
Ảnh minh hoạ: Một số loại côn trùng phổ biến - nguồn: tanbabasnake.exteen.com |
(*) Nhà nông hỏi:
---------------------
- Xin chuyên gia cho biết đặc điểm hình thái của côn trùng?
- Các bộ côn trùng nào thường gây hại phổ biến trên cây trồng?
---------------------------
(*) Chuyên gia trả lời:
---------------------------
-------------------------------------------------
Phần 1: Đặc điểm hình thái của côn trùng?
-------------------------------------------------
Côn trùng (Insecta) là một lớp động vật thuốc ngành chân đốt (còn gọi là ngành tiết túc, Arthropoda). Chúng có các đặc điểm hình thái sau:- Về hình thái, điểm chung của côn trùng là cơ thể được bao bọc bởi lớp vỏ cứng (Cuticula), cơ thể phân đốt và chia làm 3 phần đầu, ngực và bụng.
1. Đầu côn trùng:
Là một khối cứng đồng nhất gồm 5 -6 đốt dính liền vào nhau và có nhiều ngấn, chia thành nhiều khu vực (khu đỉnh, khu trán và khu má,...). Đầu mang nhiều phần phụ như râu, miệng, mắt đơn, mắt kép. Các phần phụ này có nhiều biến đổi tuỳ theo loài côn trùng.
- Râu đầu:
là cơ quan khứu giác và xúc giác, ở một số loài (kiến, mối) râu đầu còn là cơ quan thính giác làm nhiệm vụ tìm kiếm và báo hiệu cho nhau. Râu đầu gồm 3 phần là chân râu, cuống râu và roi râu, trong đó roi râu là phần dài nhất và gồm nhiều đốt.
Hình dạng râu thay đổi tuỳ theo loài và chia ra các dạng râu sợi chỉ như cào cào, gián, râu lông cứng như ve sầu, xén tóc, râu chuỗi hạt như mối thợ, một số bướm, râu răng cưa như ban miêu và đom đóm, râu đầu gối như ong, vòi voi, râu hình lá lợp như bọ hung...
- Miệng:
Có 2 dạng miệng cơ bản là miệng nhai và miệng hút. Miệng nhai là dạng miệng nguyên thuỷ, thích hợp với các thức ăn là động - thực vật ở dạng rắn, thường gặp ở các côn trùng bộ cánh cứng, bộ cánh thẳng và các sâu non bộ cánh vẩy. Miệng nhai gồm các bộ phận môi trên, môi dưới, hàm trên và hàm dưới.
Miệng hút là kiểu miệng được biến hoá từ miệng nhai để thích nghi với thức ăn lỏng, thường thấy ở các loài bướm, ruồi, bọ rầy, bọ xít. bọ trĩ, ong. Ở miệng hút, các bộ phận môi và hàm biến thành kim chích và vòi hút.
- Mắt đơn và mắt kép:
Là cơ quan thị giác của côn trùng, mắt kép gồm nhiều mắt đơn gộp chung lại.
2. Ngực côn trùng:
Ngực là phần giữa đầu và bụng, gồm 3 đốt là ngực trước, ngực giữa và ngực sau. Ngực có 2 bộ phận phụ là cánh và chân.
- Cánh:
Là bộ phận giúp côn trùng hoạt động trên không. Cánh có dạng phiến mỏng, trên đó có mạch cánh (gân cánh) như bộ giá đỡ. Có 4 cánh gồm 2 cánh trước và 2 cánh sau. Cánh đa số có hình tam giác. Cấu tạo cánh là một cơ sở quan trọng để phân loại côn trùng. Có loài trên cánh phủ lớp vẩy mịn như phấn với nhiều màu sắc (gọi là cánh vẩy hoặc cánh phấn), có ở bộ cánh vẩy, điển hình là các loài bướm. Có loài cánh trước hoá cứng, có ở bộ cánh cứng, điển hình như các loài bọ hung, bọ dừa. Có loài cánh trước có phần cứng và phần mềm, thấy ở bộ cánh nửa, điển hình là các loài bọ xít. Một số loài cánh sau thoái hoá, chỉ còn lại hai cánh trước, có ở bộ hai cánh, điển hình là các loài ruồi.
- Chân:
Là bộ phận giúp côn trùng hoạt động trên mặt đát, mặt cây. Chân được gắn vào các đốt ngực, mỗi đốt ngực có một đôi chân, tổng cộng có 3 đôi (6 chân). Chân cũng gồm nhiều đốt, tuỳ theo điều kiện sống mà chân côn trùng cũng biến đổi tạo thành nhiều kiểu chân như chân nhảy (cào cào), chân đào bới (dế dũi), chân bắt mồi (bọ ngựa), chân bơi lội (niền niễng), chân kẹp leo (chấy, rận)...
3. Bụng côn trùng:
Bụng là phần cuối của cơ thể, gồm 8 - 9 đốt, ở bộ cánh cứng chỉ thấy 5 - 6 đốt. Bụng côn trùng cũng mang một số bộ phận phụ như chân bụng (có ở sâu non) và bộ phận sinh dục (con trưởng thành), một số loài có lông đuôi (cào cào, phù du).
Qua mô tả sơ bộ ở trên, ta thấy cấu tạo hình thái của côn trùng cũng rất đa dạng và phức tạp. Sự biến đổi đa dạng này chủ yếu để thích ứng với điều kiện sống, như con dế dũi đào hang trong đất để sống nên có kiểu chân đào bới, con niềng niễng sống trong nước nên có kiểu chân bơi lội như cái mái chèo.
-----------------------------------------------------------------------
Các bộ côn trùng nào thường gây hại phổ biến trên cây trồng?
-----------------------------------------------------------------------
Có 8 bộ côn trùng chủ yếu thường gây hại cây trồng.
1. Bộ cánh cứng (tên khoa học: Coleoptera):
Đặc điểm chính của bộ này là cánh trước là cánh cứng, kiểu miệng nhai, kiểu chân chạy, biến thái hoàn toàn, ấu trùng (sâu non) dạng ít chân hoặc không chân, mình cong hình chữ C, nhộng đa số là dạng nhộng trần. Phổ biến nhất là các họ Bọ hung, họ Xén tóc, họ Vòi voi (họ đầu dài), họ Ban miêu, họ Bọ rùa...
2. Bộ hai cánh (tên khoa học: Diptera):
Đặc điểm của bộ này là con trưởng thành chỉ có 2 cánh trước còn hai cánh sau bị thoái hoá, miệng chích hút, sâu non dạng giòik hông chân, biến thái hoàn toàn, dạng nhộng bọc. Phổ biến nhất là các họ Ruồi đục quả, họ Sâu năn.
3. Bộ cánh rùa (tên khoa học: Hemiptera):
Đặc điểm của bộ này là cặp cánh trước phần gốc là chất da dày, tương đối cứng, phần mép ngoài cánh là cánh màng mỏng, miệng kiểu chích hút, biến thái không hoàn toàn. Phổ biến nhất là các họ Bọ xít như Bọ xít dài, Bọ xít đen, Bọ xít 5 cạnh...
4. Bộ cánh đều (tên khoa học là Homoptera):
Đặc điểm của bộ này là hai cặp cánh đều bằng chất màng, miệng, chích hút, một số trên lưng bao phủ lớp vảy cứng hoặc lớp sáp trắng, biến thái không hoàn toàn. Phổ biến là các họ Bọ rầy, họ Rệp muội, họ Rệp sáp, họ Ve sầu,...
5. Bộ cánh màng (Hymenoptera):
Đặc điểm của bộ này là hai cặp cánh đều bằng chất màng mỏng, kiểu miệng nhai gặm, biến thái hoàn toàn, dạng nhộng trần. Phổ biến là các họ Ong.
6. Bộ cánh vảy (tên khoa học là: Lepidoptera):
Đặc điểm của bộ này là cánh và toàn cơ thể con trưởng thành bao phủ đầy lớp vảy nhỏ như phấn, kiểu miệng hút, sâu non miệng nhai, có 3 đôi chân ngực và 2 - 5 đôi chân bụng, biến thái hoàn toàn, phần lớn là nhộng màng. Phổ biến nhất là các họ Bướm phượng, họ Ngài đêm, họ Ngài sáng, họ Sâu đo, họ Sâu róm, họ Ngài cuốn là, họ Ngài vẽ bùa...
7. Bộ cánh thẳng (tên khoa học là Orthoptera):
Đặc điểm của bộ này là con trưởng thành có 2 cặp cánh, cánh trước có lớp da dày bao phủ, kiểu miệng nhai gặm, biến thái không hoàn toàn. Phổ biến là các các họ châu chấu (cào cào), họ Dế mèn, họ Dế dũi,...
8. Bộ cánh tơ (tên khoa học là Thysanotera):
Đặc điểm của bộ này là kích thước rất nhỏ (trung bình dài 1 - 2 mm), cánh nhỏ và hẹp, xung quanh cánh có lớp tơ riềm rất dài, miệng rũa hút, biến thái không hoàn toàn. Phổ biến nhất là bọ trĩ.
Trong các bộ trên đây có rất nhiều loài sâu hại quan trọng trên nhiều loại cây trồng, ngoài ra cũng có nhiều loài là những côn trùng thiên địch có ích (như bọ rùa, bọ ngựa, nhiều loài ong ký sinh...).
Theo KS. Nguyễn Mạnh Chinh
Chia sẻ:
Chia sẻ
Hỏi-đáp,Hỏi-đáp-sâu-bệnh
2013-10-05T00:40:00+07:00
2013-10-05T00:40:00+07:00
Loading...


CÁC BẠN CÓ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VUI LÒNG VIẾT VÀO Ô COMMENT DƯỚI ĐÂY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét